Hà Tây cũ với diện tích trải dài nhiều vùng miền tạo nên những nét văn hóa đặc sắc đa dạng, từ đó hình thành nên những món ngon phong phú của mỗi vùng miền. Hãy cùng điểm qua đặc sản Hà Tây để cùng khám phá và trải nghiệm vùng đất địa linh nhân kiệt này.
Ngon Nhất Bê Quay Đặc Sản Ao Vua Ba Vì Hà Tây
1. Nem Phùng
Đây là món ăn đặc sản Hà Tây có từ lâu đời, đến từ quê hương của những “người gái đảm” Đan Phượng. Khá bình dị và mang đậm hương vị quê hương, nem Phùng được chế biến từ bì lợn luộc thái chỉ sợi trộn thính, thịt mỡ và nạc chần nước sôi xắt nhỏ. Ăn kèm hoặc cuốn với với lá sung hoặc đinh lăng chấm tương vàng. Do không dùng chất bảo quản nên chỉ sử dụng trong vòng 2 ngày.
Du khách có thể mua nem quả (200gr) hoặc nem cân 200k/kg, gia đình có 4~6 người có thể mua 2 quả hoặc 400 ~ 500gr là ăn thoải mái.
Nem Phùng được bán dọc theo con đường Nguyễn Thái Học, Thị trấn Phùng, Đan Phượng với các thương hiệu gia truyền ngon nổi tiếng như: Thái Cam, Hải Phở, Hảo Cường, Bà Mắm,… Mỗi cơ sở có hương vị đặc trưng gia truyền riêng nhưng đều mang nét chung của người Tổng Phùng hiền hòa, mến khách.
2. Giò chả Ước Lễ
Ước Lễ thuộc Tân Ước, Thanh Oai nằm phía Tây Nam, cách trung tâm Thủ đô khoảng gần 30km. Thôn Ước Lễ có diện tích chỉ 1km vuông với số hộ dân gần 450. Nghề làm giò Chả Ước Lễ có cách đây khoảng gần 500, cha truyền con nối.
Giò Ước Lễ xưa khi được giã tay bằng chày, từ những miếng thịt lợn mông nóng hổi mới xả ra pha thêm ít mỡ trộn đều với nước mắm, mật, đường, gia vị muối; giã nhuyễn, quyện dẻo vào nhau. Sau đó thịt được gói vào lá chuối thành khuôn tròn dài, hấp chín xong (70 phút) thả ngay nồi nước lạnh, trọng lượng mỗi cái 1kg. Khi dùng tháo bỏ lá chuối, cắt thành từng khoanh tròn độ dày 3~5cm rồi xắt thành 6 miếng nhỏ chấm với nước mắm nguyên chất vàng óng để thưởng thức.
Chả Ước Lễ ngon bởi vị bùi của thịt nạc nướng, thơm cay của quế, ngọt ngào của mật ong, nồng nàn của hoa hiên. Công đoạn làm chả công phu hơn làm giò, thịt có lượng mỡ cao hơn, thịt giã nhuyễn, dàn phẳng ra khay dày khoảng 10cm, hấp chín rồi rán vàng.
Vào dịp lễ tết, trên mâm cỗ cúng gia tiên, thần linh thổ địa đều của người Việt đều có đĩa giò chả thơm ngon của thôn Ước Lễ.
3. Bánh dày Quán Gánh
Bánh dày Quán Gánh hiện nay chỉ còn sản xuất tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín đoạn dọc quốc lộ 1 cũ.
Công đoạn làm bánh dày khá công phu, cầu kỳ từ khâu chọn đến chế biến nguyên liệu và hoàn thành bánh.
Bánh dày Quán Gánh có 3 loại nhân: nhân ngọt, nhân mặn và nhân chay. Nhân ngọt làm từ đậu xanh xay nhuyễn trộn với đường và dừa bào; nhân mặn có mỡ phần, đậu xanh, trộn với tiêu và gia vị. Những nguyên liệu làm nhân được trộn đều, nấu và khuấy đều trong chiếc nồi lớn. Bột nếp làm vỏ bánh, nhồi nhân rồi bọc lá dong để lưu giữ mùi hương thơm bánh trọn vẹn. Để có mẻ bánh ngon, tất cả công đoạn phải được làm vào sáng sớm để hoàn thành và cung cấp cho thực khách dùng ngay trong ngày hoặc có thể bảo quản 2~3 ngày vì bánh không có chất bảo quản.
4. Bánh chè lam Thạch Xá
Chè lam Thạch Xá là loại bánh cổ truyền của người dân huyện Thạch Thất nằm phía Tây Bắc cách trung tâm Hà Nội 25km, xưa thường chỉ có vào dịp lễ Tết, giờ đây đã theo chân du khách thập phương đi đến mọi miền phương xa.
Nghề làm bánh chè lam có tuổi đời hơn 100 năm, được kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu thôn quê gồm nếp cái hoa vàng, mạch nha, mật mía, vừng, lạc và gừng. Bên bếp lửa hồng, những mẻ bánh ra lò qua đôi bàn tay dẻo, khéo léo và thoăn thoắt của những người thợ làm bánh.
5. Bánh tẻ Sơn Tây
Làng nghề làm bánh tẻ Sơn Tây nằm ở Phú Nhi, đây là món quà quê đặc sản Hà Tây nổi tiếng khắp nước. Vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống và quy trình chế biến, từ khâu ngâm gạo tẻ 24h, vớt ra để ráo nước, xay bột xưa bằng cối đá, để lắng, gạn bỏ nước trong, đổ nước sạch vào ngâm và gạn ra trước khi làm bánh. Đây được gọi là công đoạn giáo bột, sẽ quyết định sự thành công của mẻ bánh tẻ.
Bánh tẻ Sơn Tây gói bằng lá dong, hình răng bừa, dài hơn găng tay, gồ lên phần giữa, dẹt phần 2 đầu, bên ngoài quấn nhiều vòng dây trông khá bắt mắt. Nhân bánh chế biến thì thịt lợn phần nạc vai hay thịt nách có chút mỡ, băm nhỏ, mộc nhĩ thái chỉ hoặc băm nhỏ, hành củ đập dập, trộn đều ướp với mắm tiêu nêm vừa miệng. Rải đều phần nhân dọc theo theo khuôn thuyền của bột bánh, không cho nhân quá nhiều, chỉ một chút vừa phải. Gói xong bánh đem hấp cách thủy khoảng 30 ~ 40 phút hoặc thắp nén hương, hương tàn là chín.
Bánh tẻ để nguội, bóc ra, vỏ bánh màu trắng trong hơi ngả màu xanh của lá, khi ăn chấm với tương ớt, mắm hoặc ăn ngay không cần gia vị đều ngon. Nếu thời tiết se lạnh, có thể ăn nóng để cảm nhận được vị ngọt và thơm của những nguyên liệu đồng quê hòa quyện.
6. Thịt quay đòn
Đây là một trong những đặc sản Hà Tây nổi tiếng chế biến từ làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây.
Nguyên liệu gồm thịt ba chỉ tươi ngon, lớp da dày, ít mỡ, tẩm ướt với các gia vị hạt tiêu, mắm, muối, hành, húng lìu nêm vừa miệng. Để miếng thịt quay đòn có hương vị khác biệt chính là do lá ổi non được băm nhỏ và ướp vào miếng thịt khoảng 50 ~ 60 phút. Tiếp theo miếng thịt được lót lá chuối và cuốn gọn vào đòn tre, khi quay đảm bảo không bị cháy, thịt bên trong chín đều bằng hơi nóng. Khi miếng thịt đã se mặt và mỡ chảy, đòn sẽ hạ thấp xuống sát ngọn lửa để bề mặt thịt có màu vàng óng hấp dẫn.
Đòn quay thịt bằng ống tre, đường kính đủ cuốn thịt 1 vòng và 2 đầu được cố định bằng nan. Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được phần bì giòn tan màu cánh gián và thơm phức, vị bùi của lá ổi và vị đậm đà ngọt thơm của thịt quyện với mùi húng lìu, có cảm giác ăn mãi không chán.
7. Mơ Hương Tích
Một trong những loại quả nổi tiếng tại chùa Hương, Hương Sơn, Mỹ Đức được du khách biết đến là quả mơ hay còn gọi là độ nhị mai, bởi mỗi năm hoa mơ trổ bông 2 lần và cho 2 lần ra trái.
Mơ không những là loại quả giàu dinh dưỡng mà còn là vị thuốc quý do chứa nhiều chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa; đồng thời có tính ấm, vị chua, chứa nhiều loại vitamin, có dụng giải nhiệt, nhuận tràng, hoạt huyết, tăng sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch. Ngoài ra còn có tác dụng trong làm đẹp và giảm cân.
Mơ Hương Tích có mùi thơm đặc trưng, thịt dày, đầu nhọn, màu vàng, quả nhỏ. Một số cách chế biến với mơ như: mơ ngâm rượu, mơ ngâm muối, mơ ngâm đường, ô mai mơ,…
Đến nay nhắc đến địa danh Hà Tây chỉ còn là một hoài niệm về vùng đất dải lụa mềm của “cửa ngõ thủ đô”, nhưng đặc sản Hà Tây vẫn mãi trường tồn, giữ nguyên vẹn giá trị tinh hoa ẩm thực, mỗi món ăn đều là câu chuyện kể về văn hóa, lối sống của những người dân bình dị, hiền hòa và mộc mạc nơi đây.